Pháp luật Người_chuyển_giới_ở_Việt_Nam

Lịch sử pháp lý

Trong Quốc triều hình luật của Nhà Hậu Lê, dân đinh tự thiến mình bị xử lưu đày, cũng như phạt người thiến hộ, chứa chấp hoặc không tố cáo; người tố cáo thì được thưởng.[16] Bộ luật Dân sự 1995 chưa có quy định nào về xác định lại giới tính, chuyển giới hay phẫu thuật chuyển giới.[17] Điều 36 Luật dân sự Việt Nam năm 2005 chỉ cho phép thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính "trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính", sau khi phẫu thuật sẽ được xác định lại giới tính trong hộ tịch, đồng thời được hoàn thiện những thủ tục nhằm công nhận giới tính và thay đổi những giấy tờ tùy thân cần thiết. Trong khi đó, theo nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 thì việc "thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính" là hành vi bị cấm.[18] Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP đã cho thấy nhiều bất cập trong việc áp dụng đối với người chuyển giới, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bản dạng giới trong xã hội.[19]

Hiện hành

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, ban hành năm 2013 và hiệu lực từ 31 tháng 12 năm 2013, phạt hành chính với hành vi phân biệt đối xử với người đã xác định lại giới tính trong lĩnh vực y tế.[20] Trong Luật Hộ tịch 2014, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, việc xác định lại giới tính được ghi vào Sổ Hộ tịch theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[21] Theo Luật căn cước 2014, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, thẻ Căn cước công dân được đổi trong trường hợp xác định lại giới tính.[22] Trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2016, phạm nhân đồng tính hay chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.[23] Quy định này được coi là góp phần bảo đảm cho họ tránh khỏi sự kỳ thị của người khác khi bị tạm giam, tạm giữ.[24] Không có nội dung miễn hoặc cấm người chuyển giới thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.[25]

Năm 2015, Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Dân sự mới với quy định về chuyển đổi giới tính. Cụ thể ở điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015, hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017, "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan". Sau quy định này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 11 tại châu Á, hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể.[26] Những người sinh ra đã hoàn thiện về giới tính chưa được thực hiện chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Nếu họ ra nước ngoài để phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì khi về nước, việc xác định lại giới tính, điều chỉnh hộ tịch, các giấy tờ tuỳ thân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu, các giấy tờ tài sản khác liên quan chưa thể thực hiện được.[18] Dự kiến Dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 2025.[27]

Trong Luật Thi hành án hình sự 2019, có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2020, phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.[28] Điều này được cho là quy định tiến bộ hướng tới việc thừa nhận và bảo vệ họ khỏi bạo lực và xâm hại.[29] Năm 2022, Bộ Y tế ban hành Công văn 4132/BYT-PC về việc "chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới", trong đó khuyến cáo không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh; không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.[30]

Pháp luật Việt Nam hiện chưa cho phép Người chuyển giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Việt Nam hiện mới chỉ cho phép thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính "trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính" (Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2005), sau khi phẫu thuật sẽ được xác định lại giới tính trong hộ tịch, đồng thời được hoàn thiện những thủ tục nhằm công nhận giới tính và thay đổi những giấy tờ tùy thân cần thiết. Trong khi đó, theo nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 thì việc "thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính" là hành vi bị cấm. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện chỉ cho phép thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính đối với người liên giới tính. Nếu một người sinh ra đã hoàn thiện về giới tính thì không được thực hiện chuyển đổi giới tính tại Việt Nam, và nếu ra nước ngoài để phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì khi về nước, việc xác định lại giới tính cho người đó cũng như điều chỉnh hộ tịch, các giấy tờ tuỳ thân như: giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu, các giấy tờ tài sản khác liên quan cho người đó cũng không thể thực hiện được.[31]

Ý kiến cá nhân

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường phát biểu: "Hiện pháp luật Việt Nam đã cho phép người liên giới tính phẫu thuật và xác định lại giới tính thì cũng nên cho phép người chuyển giới phẫu thuật và thay đổi giới tính. Về lâu dài, dự thảo Luật hộ tịch và Luật dân sự sửa đổi cần bảo vệ quyền thay đổi giới tính của người chuyển giới. Nhưng trước mắt cần có một giải pháp tình thế như sửa đổi bổ sung nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính để cho phép người chuyển giới đã phẫu thuật thay đổi giới tính của mình trên giấy tờ tùy thân, đảm bảo công bằng cho họ".[32].

Đã có nhiều hội thảo tham vấn ý kiến cho quá trình xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính. Theo tiến sĩ luật Nguyễn Văn Hợi - Đại học Luật Hà Nội, "Giới tính" là khái niệm để chỉ những đặc điểm sinh học của nam và nữ, có tính chất bẩm sinh tự nhiên, để xác định giới tính của một người thì phải dựa vào đặc điểm bộ phận sinh dục của người đó. Do vậy, để công nhận một cá nhân đã thực hiện chuyển đổi giới tính thì người đó nhất định phải phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục, còn nếu chỉ tiêm nội tiết tố và phẫu thuật ngực thì chưa đủ căn cứ để coi người đó đã chuyển đổi giới tính (vì họ vẫn còn bộ phận sinh dục theo giới tính cũ). Nếu công nhận một cá nhân đã thực hiện chuyển đổi giới tính dù người đó chưa phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục thì sẽ dẫn tới nhiều trường hợp "mập mờ giới tính": giấy tờ chuyển thành "nam" nhưng cơ quan sinh dục vẫn là "nữ" hoặc ngược lại, điều này sẽ dẫn tới nhiều hậu quả phức tạp cho pháp luật và xã hội (ví dụ như thi hành nghĩa vụ quân sự, khai sinh cho con cái, áp dụng tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản...).[33]

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho rằng, về mặt chuyên môn cũng như pháp lý, để được thay đổi về mặt giấy tờ tùy thânhộ tịch, bắt buộc người chuyển giới phải phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục. Nếu chỉ dùng nội tiết tố và phẫu thuật ngực mà đã được chuyển đổi giấy tờ thì sẽ dẫn tới nhiều trường hợp "mập mờ giới tính" (giấy tờ là "nam" nhưng lại có cơ quan sinh dục nữ hoặc ngược lại) gây mất trật tự xã hội, cũng như tình trạng lạm dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Mặt khác, các trường hợp không thực sự cần thiết (không bị khuyết tật bẩm sinh về bộ phận sinh dục) thì không nên cho phép phẫu thuật chuyển giới, vì quá trình phẫu thuật chuyển giới ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm giảm tuổi thọ và còn tốn kém chi phí, đặc biệt là các vấn đề pháp lý nảy sinh về sau này.[34]

Tiến sỹ y khoa Nguyễn Đình Phú cho biết: cần phân biệt nhu cầu chuyển đổi giới tính bởi các nguyên nhân khác nhau: do khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật tâm lý hay nhu cầu thẩm mỹ cá nhân. Không loại trừ những trường hợp chuyển đổi giới tính để lảng tránh xã hội, trốn tránh trách nhiệm, thậm chí trốn lệnh truy nã. Một số chuyên gia y tế cũng đặt vấn đề chỉ cho phép chuyển đổi giới tính đối với người bị khuyết tật bẩm sinh nặng ở cơ quan sinh dục, cần phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết. Người có cơ thể hoàn toàn bình thường, không bị dị tật nhưng về mặt tâm lý lại tự cho bản thân thuộc giới tính khác thì không nên cho phép chuyển đổi giới tính.[35]

Bảng tóm tắt

Luật chống phân biệt đối xử trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ/ (Từ 2013) Chỉ trong lĩnh vực y tế
Luật chống phân biệt đối xử trong tất cả các lĩnh vực khác (bao gồm phân biệt đối xử gián tiếp, ngôn từ kích động thù địch)
Người chuyển giới được phép phục vụ công khai trong quân đội
Quyền thay đổi giới tính hợp pháp (Từ 2017)
Quyền thực hiện phẫu thuật chuyển giới (Từ 2017)
Bản dạng chuyển giới không còn bị xếp loại là bệnh (Từ 2022)
Cấm liệu pháp chuyển đổi/ (Từ 2022) Chỉ nhân viên y tế bị cấm thực hành liệu pháp chuyển đổi

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_chuyển_giới_ở_Việt_Nam http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tu-van/quy-... https://web.archive.org/web/20150227103602/http://... http://news.zing.vn/Nhung-nhan-vat-chuyen-gioi-din... http://www.anninhthudo.vn/phap-luat/khi-nguoi-chuy... http://ngoisao.net/tin-tuc/hau-truong/showbiz-viet... http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-tinh/noi... http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-... http://eva.vn/lam-dep/huong-giang-idol-truoc-chuye... https://baophapluat.vn/xay-dung-luat-chuyen-doi-gi... http://www.sggp.org.vn/luat-hoa-viec-chuyen-doi-gi...